Hệ vi sinh đường ruột có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch

Khi trẻ mới sinh ra, nhiều hệ cơ quan còn non nớt. Hệ miễn dịch cũng cần phải được “huấn luyện” để phát huy hết tiềm năng. Đó chính là nhiệm vụ của hệ vi sinh đường ruột. Bằng nhiều cơ chế khác nhau, nó chống lại các vi khuẩn gây hại và ngăn nhiễm trùng. Bằng cách này, các vi khuẩn “tích cực” trong đường ruột tạo nên hàng rào tự nhiên chống lại vi khuẩn ngoại lai, tức là chúng chặn các thụ thể trên tế bào biểu mô ruột khiến chúng không tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh.

Hơn nữa, các vi sinh vật có lợi tạo ra các chất có tác dụng kìm hãm vi khuẩn và diệt khuẩn. Một số chủng như lactobacilli tạo ra axit lactic trong quá trình phân hủy cặn bã thức ăn chưa tiêu hóa hết. Axit lactic này làm giảm độ pH trong ruột, tạo môi trường bất lợi với các tác nhân gây bệnh. Việc hỗ trợ điều chỉnh lại hệ miễn dịch của hệ vi sinh đường ruột cũng quan trọng không kém. Chúng cũng giúp hệ mô bạch huyết trong ruột (GALT) phát triển và đảm bảo các tế bào miễn dịch trong ruột tăng lên về số lượng và chủng loại. Quan trọng hơn nữa chúng còn giúp thúc đẩy khả năng chống chọi với vi khuẩn hội sinh của hệ miễn dịch, tức là những vi khuẩn “tốt” sẽ được chấp nhận còn những vi khuẩn “xấu” sẽ bị loại bỏ. Các cơ chế phòng vệ này được kiểm soát bởi cả hệ miễn dịch bẩm sinh và mắc phải.

Tầm quan trọng của quá trình này có thể được minh chứng rõ ràng trong nghiên cứu trên động vật. Khi những con chuột được nuôi trong môi trường vô trùng được chuyển ra sống ngoài tự nhiên và lần đầu tiên trong đời tiếp xúc với môi trường nhiều vi khuẩn, chúng chết không lâu sau đó bởi những bệnh nhiễm trùng đơn giản. Lý do là bởi chúng chỉ sở hữu hệ miễn dịch bẩm sinh không đặc hiệu và gần như không có hệ miễn dịch mắc phải đặc hiệu. Tuy nhiên, sau khi chuột vô trùng được cấy hỗn hợp liều thấp vi sinh đường ruột đặc trưng cho loài thì chúng lại có thể sống sót ngoài môi trường tự nhiên. Bằng cách phát triển nhanh chóng hệ mô bạch huyết trong ruột khỏe mạnh, chúng có thể được bảo vệ khỏi vi khuẩn ở môi trường bên ngoài (Schulz J et al. 2008).

Do đó yếu tố tiên quyết để hệ miễn dịch chống nhiễm trùng là phải có hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh vì chúng được coi là tác nhân kích thích sớm nhất và mạnh nhất cho sự phát triển của mô bạch huyết. Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta cần quan tâm đến sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột vì chúng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hệ miễn dịch và ngăn chặn nhiễm trùng.

Nhiều bằng chứng cho thấy chứng loạn khuẩn, hay là sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe về lâu dài. Có thể kể đến nguy cơ cao mắc béo phì, dị ứng, tiểu đường, rối loạn đường ruột, nhiễm trùng và thậm chí các chứng rối loạn lo âu và trầm cảm (Collado MC et al. 2012; Houghteling PD, Walker WA 2015).

Thông tin khoa học HiPP