Thời kỳ hậu sản: thời gian phục hồi sức khỏe cho mẹ và bé

Những tuần cuối của thai kỳ cũng như quá trình sinh nở có thể rất căng thẳng cho bạn và em bé. Cơ thể của bạn và em bé sơ sinh của bạn đã phải chịu đựng một số căng thẳng về thể chất trong quá trình sinh nở. Giai đoạn sau sinh là cơ hội tuyệt vời để phục hồi sau tất cả những điều này và để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa mẹ và em bé.

Thời kỳ hậu sản là gì?

Thời kỳ hậu sản là thời gian mẹ và con phục hồi sức khỏe sau khi sinh. Đó là một quá trình biến đổi về cả thể chất và tinh thần. Thời kỳ này kéo dài bao lâu có thể khác nhau và tùy thuộc vào người mẹ, nghĩa là mẹ có thể quyết định thời gian mình cần nghỉ ngơi và thích nghi với cuộc sống mới. Các bác sĩ thường khuyến khích mẹ nên nghỉ ngơi khoảng tám tuần cho thời kỳ hậu sản.

Bạn nên dành phần lớn thời gian để nằm trên giường, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên của thời kỳ hậu sản. Công việc duy nhất của bạn lúc này là làm quen và yêu thương em bé. Đó là lý do tại sao một số người gọi thời điểm này là "thời kỳ trăng non".

10 ngày đầu tiên được gọi là “thời kỳ đầu sau sinh” và là thời kỳ quan trọng nhất trong quá trình hồi phục của bạn: Mọi tổn thương trong quá trình sinh nở sẽ từ từ lành lại, ngực bắt đầu sản xuất sữa và lượng hormone của bạn sẽ dần được điều chỉnh lại. Tất cả những điều này là rất vất vả cho bạn và cơ thể của bạn, đó là lý do tại sao bạn nên nghỉ ngơi thích hợp!

Nếu bạn đã có một bé nữa ở nhà, hãy đảm bảo rằng bạn có gia đình và bạn bè hỗ trợ bạn, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên này.

Vào ngày 11, bạn sẽ bước vào “thời kỳ hậu sản muộn”, khi đó bạn vẫn nên dành đủ thời gian cho bản thân để thư giãn!

Những khía cạnh tích cực của thời kỳ hậu sản

  • • Trong thời gian này, bạn sẽ tạo được mối quan hệ bền chặt với đứa con nhỏ của mình.
  • • Dành thời gian này để hồi phục càng nhiều càng tốt.
  • • Đây cũng là thời gian để nâng cao sức khỏe tinh thần của bạn. Nhiều phụ nữ thậm chí đã mắc chứng trầm cảm sau khi sinh con.
  • • Trong thời kỳ hậu sản, cơ thể bạn sẽ bắt đầu trở lại trạng thái như trước khi mang thai.

Các vấn đề trong thời kỳ hậu sản

Giai đoạn sau sinh là thời gian để bạn thư giãn. Lúc này cơ thể bạn đang hồi phục sau khi sinh con, đó là một phần quan trọng của quá trình chữa lành. Bạn đặc biệt nên ghi nhớ điều này nếu bạn vừa trải qua sinh mổ. Kể cả sinh thường cũng vậy, bạn nên sử dụng những tuần đầu tiên này để cơ thể lại sức.

Bạn có thể gặp một số vấn đề, chẳng hạn như:

• Mệt mỏi

• Bị táo bón trong những ngày đầu tiên

• Đổ mồ hôi (đặc biệt là vào ban đêm) do thay đổi nội tiết tố

• Đầy hơi, chướng bụng

• Trong trường hợp bị sốt, nhức đầu hoặc khó chịu nói chung, vui lòng liên hệ với bác sĩ để được thăm khám kịp thời

Sản dịch và các vết thương bị đau sau sinh là đặc trưng cho thời kỳ hậu sản. Tuy nhiên, tất cả đều không có gì phải lo lắng, bởi vì với một vài mẹo và thủ thuật, bạn có thể xử lý tất cả những vấn đề này. Các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho bạn.

Lời khuyên của người hộ sinh

“Hãy cho bản thân và con bạn bốn tuần để làm quen với hoàn cảnh mới và tìm hiểu nhau.Người mẹ phải tin tưởng vào bản thân. Mỗi ngày, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn một chút và vận hành trơn tru hơn. Sau ba đến bốn tuần, bé sẽ hợp tác tốt hơn với mẹ và sau ba tháng, mọi thứ sẽ đi vào guồng và trơn tru hơn rất nhiều”.

- Dorothee Kutz, nữ hộ sinh

Chuẩn bị cho thời kỳ hậu sản

Chúng tôi khuyên bạn nên mua trước một số thứ quan trọng mà bạn sẽ cần trong những tuần đầu tiên sau sinh. Bằng cách này, bạn có thể tích trữ và tránh phải đi mua sắm nhiều lần sau này.

Những mặt hàng này nên có trong danh sách mua sắm của bạn:

• Băng vệ sinh và miếng lót cho phụ nữ sau sinh

• Đồ ăn và đồ uống

• Đồ ăn đông lạnh

• Các thiết bị cần thiết để chăm sóc em bé

Bạn có thể tìm thêm thông tin về những đồ dùng cần thiết cho em bé tại đây.

Các biến chứng trong thời kỳ hậu sản

Trong trường hợp có những biến chứng không lường trước được trong thời kỳ hậu sản, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ càng sớm càng tốt.

Bạn có thể tự làm một số việc như đi bộ quãng ngắn hoặc uống một chai nước nóng để giảm bớt các triệu chứng khó chịu như đau đầu, căng thẳng.

Sản dịch sau sinh

Trong khi các mô tử cung ở vị trí nhau thai bong ra đang lành lại, phụ nữ sau sinh sẽ trải qua hiện tượng được gọi là sản dịch sau sinh. Khu vực mà nhau thai bám vào có kích thước bằng lòng bàn tay và khi nó lành lại, máu, các loại dịch tiết và mô chết sẽ được bài tiết ra ngoài. Sản dịch thường kéo dài khoảng bốn đến sáu tuần sau sinh.

Trong vài ngày đầu, bạn sẽ bị chảy máu khá nhiều, dịch có màu đỏ tươi kèm theo một số cục máu đông. Màu sắc cũng có thể chuyển sang màu đỏ đậm. Vào cuối tuần đầu tiên, màu sắc sẽ chuyển từ đỏ sang hồng hoặc nâu - sau đó nó cũng có thể trở nên hơi vàng hoặc hoàn toàn không màu, dịch này sẽ dần trở nên nhạt hơn.

Khi cho con bú, bạn sẽ thấy sản dịch chảy ra mạnh hơn. Lý do vì cho con bú sẽ gây ra co bóp tử cung. Nếu là đứa con đầu lòng, bạn có thể sẽ chỉ cảm thấy một số cơn co thắt nhẹ hoặc hoàn toàn không. Tuy nhiên, sau mỗi lần sinh, những cơn co thắt này sẽ trở nên đau đớn hơn.

Sản dịch sau sinh là một dấu hiệu tốt cho thấy tử cung của bạn đang co lại và từ từ trở lại kích thước bình thường.

Để tránh các biến chứng sau sinh, bạn nên ghi nhớ một vài điều sau:

• Chỉ tắm ngồi khi bác sĩ cho phép làm như vậy.

• Sử dụng băng vệ sinh miếng lót và quần mỏng, lưu ý không sử dụng băng vệ sinh dạng ống (tampon).

• Bạn vẫn có thể quan hệ tình dục trước khi hết sản dịch, nhưng hãy sử dụng bao cao su và nên hỏi ý kiến bác sĩ.

• Đến gặp bác sĩ phụ khoa của bạn chậm nhất sau tám tuần để kiểm tra tổng quát sau sinh.

Kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi mang thai

Không thể dự đoán khi nào sẽ có kinh trở lại sau khi mang thai. Nếu bạn không cho con bú, bạn có thể có kinh lần đầu sau khoảng tám tuần. Tuy nhiên, nếu bạn cho con bú sữa mẹ, kinh nguyệt sẽ quay trở lại sau vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.

Xin lưu ý!

Vẫn có thể mang thai trở lại ngay sau khi sinh. Do đó, bạn nên sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục. Bạn vẫn có thể mang thai kể cả đang cho con bú, vì cho con bú không phải là biện pháp tránh thai.

Tập thể dục sau khi sinh

Giảm cân càng nhanh càng tốt sau khi mang thai là ưu tiên hàng đầu của nhiều bà mẹ mới sinh trong giai đoạn sau sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cho cơ thể bạn nghỉ ngơi đầy đủ để phục hồi sau các đợt sinh nở. Hãy từ từ và nên bắt đầu bằng các bài tập cho mẹ sau sinh không quá nặng và giúp tăng cường sức mạnh cho sàn chậu. Bạn nên chờ ít nhất sáu đến tám tuần sau khi sinh ngả âm đạo và tám đến mười tuần sau khi sinh mổ. Do sự thay đổi nồng độ hormone, cơ thể của bạn sẽ không hoạt động như trước đó. Hiệu quả tập luyện thường hơi chậm nhưng ngay sau khi bạn ngừng cho con bú, nó sẽ hoạt động trở lại bình thường.

Bạn nên tập các dạng bài cho mẹ sau sinh trước khi bước vào các môn thể thao cường độ cao. Hãy trao đổi với bác sĩ phụ khoa về việc vận động, đặc biệt là nếu bạn sinh mổ.

Trầm cảm sau sinh: điều gì sẽ xảy ra

Khi bắt đầu mang thai, nhiều phụ nữ phải vật lộn với tâm trạng thất thường. Điều này là do nồng độ hormone thay đổi. Sau khi sinh, lượng hormone được điều chỉnh trở lại bình thường. Và quà trình điều chỉnh hooc-môn này có thể gây mất cân bằng tâm lý, hay có thể gọi là trầm cảm sau sinh. Các triệu chứng phổ biến của trầm cảm sau sinh bao gồm khóc, thờ ơ, lo lắng, sợ hãi, cảm xúc lẫn lộn với đứa con dẫn đến cảm giác tội lỗi và cáu kỉnh nói chung.

Không phải mọi tâm trạng tiêu cực sau sinh đều có thể gọi trầm cảm sau sinh. Có đến 20% các bà mẹ mới sinh bị chứng trầm cảm sau sinh sau khi sinh con. Để biết liệu bạn có bị trầm cảm hay không, hãy đi khám sức khỏe tâm thần.

Nếu bạn nhận thấy những thay đổi tâm lý bất thường ở bản thân, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc tâm sự với ai đó trong gia đình. Bạn cần phải lên tiếng để nhận được sự giúp đỡ. Điều này sẽ giúp bạn sớm cảm thấy khá hơn và nhanh chóng quay trở lại tận hưởng thời gian với bé yêu của mình.

Học cách đối phó với các tình huống trong mối quan hệ vợ chồng

Từ khoảnh khắc em bé ra đời, mối quan hệ vợ chồng của hai bạn sẽ không còn như trước nữa. Không chỉ về tình cảm mà cả các khía cạnh khác của mối quan hệ nữa. Hai người giờ đã trở thành ba người. Điều đó thay đổi mọi thứ.

Bạn có thể hỏi cha mẹ mình hoặc những người đi trước về những khó khăn trong mối quan hệ vợ chồng. Những kinh nghiệm của họ có thể hữu ích cho mối quan hệ của bạn hiện tại, việc giao tiếp dễ dàng sẽ giúp củng cố tình cảm giữa hai người.

Câu hỏi thường gặp về thời kỳ hậu sản

Thời kỳ hậu sản kéo dài bao lâu?

Để người mẹ lấy lại sức sau khi sinh con, thời gian hậu sản nên kéo dài ít nhất từ sáu đến tám tuần.

Sau khi sinh mổ, bạn nên cho phép mình nghỉ ngơi ít nhất 8 tuần. Điều này rất quan trọng để cho phép cơ thể bạn chữa lành và phục hồi sau khi phẫu thuật.

Điều gì xảy ra trong thời kỳ hậu sản?

Trong thời kỳ hậu sản, cơ thể bạn sản xuất ra các hooc-môn khác với khi mang thai. Điều này có thể gây ra rất nhiều căng thẳng cho bạn cả về thể chất cũng như tâm lý. Trong thời gian này, bạn cũng sẽ trải qua một sự thay đổi trong mối quan hệ với bạn đời và với em bé của bạn. Giai đoạn sau sinh không chỉ là thời gian để phục hồi sức khỏe sau những căng thẳng và vất vả của quá trình sinh nở mà còn là thời gian để xây dựng một tình cảm thân thiết với đứa con bé bỏng của bạn.

Cần những gì trong thời kỳ hậu sản?

Chúng tôi khuyên bạn nên chuẩn bị cho thời gian hậu sản trước khi em bé ra đời. Nếu vợ chồng bạn ở riêng hoặc không có người giúp đỡ sau sinh, hãy trữ sẵn đồ ăn. Đừng quên mua đầy đủ những đồ dùng cần thiết cho em bé của bạn. Bạn cũng nên sắm đủ băng vệ sinh.

Chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng miếng lót làm bằng bông tự nhiên trong thời kỳ hậu sản. Những miếng lót này thường lớn hơn các loại băng vệ sinh bình thường và do đó có khả năng thấm hút chất thải tốt hơn.

Mẹo: Bạn đã có thể bắt đầu với một số bài tập nhẹ sau sinh trong thời kỳ hậu sản.

Điều gì xảy ra nếu bạn tập luyện mức độ nặng trong thời kỳ hậu sản?

Hậu quả phổ biến nhất của việc tập luyện quá sức trong thời kỳ hậu sản là tử cung bị sa xuống (sa tử cung) và đại tiện không tự chủ. Nếu sinh mổ, bạn có nguy cơ bị bung vết mổ, việc này rất nguy hiểm và phải tiến hành phẫu thuật ngay.

Thông tin tác giả: 

Anja Schröder, một người mẹ, đã viết bài với tư cách là một freelancer cho một số blog gia đình lớn trong nhiều năm. Bà tập trung chủ yếu vào chủ đề gia đình, làm các bài viết của mình trở nên sống động với cách kể chuyện thú vị.