Đôi khi, trẻ mũm mĩm dễ thương quá cũng là vấn đề cần quan tâm. Một em bé có đôi má phúng phính, tay chân mập mạp trông hết sức dễ thương và là bằng chứng cho thấy con đã được chăm sóc, ăn uống rất tốt. Nhưng chính điều này đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo đáng quan ngại về sức khỏe của trẻ.
Béo phì ở trẻ em chính là một đại dịch toàn cầu. Trẻ béo phì trở thành hiện tượng đáng lo ngại và ngày nay, cứ bốn trẻ lại có một trẻ bị thừa cân hoặc béo phì.1, 2
Trẻ béo phì có khả năng sẽ vẫn béo phì đến tuổi trưởng thành. 55% trẻ béo phì sẽ trở thành thanh thiếu niên béo phì và 80% thanh thiếu niên béo phì sẽ vẫn béo phì khi đã trưởng thành.3
Ngoài việc ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội, sức khỏe tinh thần và lòng tự trọng, thừa cân hoặc béo phì khi còn nhỏ còn có thể dẫn đến kết quả học tập kém và chất lượng cuộc sống thấp hơn. Thừa cân cũng liên quan đến phản ứng miễn dịch yếu, tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây bệnh tật ở trẻ.4 Về lâu dài, trẻ béo phì có nhiều khả năng mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, các chấn thương ngoại khoa, ảnh hưởng thần kinh, gan, phổi và rối loạn thận.5
Vậy điều gì gây ra bệnh béo phì? Béo phì là một chứng rối loạn phức tạp do nhiều nguyên nhân bao gồm di truyền, thiếu vận động thể chất và chế độ ăn uống kém. Các bằng chứng cho thấy rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung thêm bên ngoài là nguyên nhân to lớn trong việc gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ.6
Phần lớn đường bổ sung trong chế độ ăn uống của trẻ em đến từ đồ uống như nước ngọt có đường và các loại sữa.7 Việc hấp thụ nhiều đường bổ sung trong giai đoạn đầu đời sẽ tạo ra sở thích ăn đồ ngọt suốt cuộc đời. Sở thích ăn uống của trẻ bắt đầu từ khi còn trong bụng mẹ, ảnh hưởng từ chế độ ăn của mẹ, và sau khi sinh trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn khi còn nhỏ.8 Việc tiếp xúc sớm với thực phẩm có đường hoặc thực phẩm có đường bổ sung thêm sẽ làm tăng sở thích ăn ngọt của trẻ.9-11
Ba mẹ có thể làm gì để tạo cho con thói quen ăn uống thực phẩm lành mạnh?
Điều quan trọng đầu tiên là người mẹ cần có một chế độ ăn uống lành mạnh trong thời kỳ mang thai, vì vị giác và khứu giác của trẻ phát triển ngay từ trước khi ra đời.12 Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thói quen ăn uống của mẹ khi mang thai sẽ hình thành sở thích ăn uống của em bé. Đây cũng có thể coi là một cách "lập trình thói quen" cho con ngay từ khi chưa chào đời.13
Mặc dù em bé có thể cảm nhận được hương vị khi còn trong bụng mẹ, nhưng vị giác của con sẽ còn tiếp tục phát triển trong suốt quá trình lớn lên. Một chế độ ăn uống đa dạng, ít thực phẩm chế biến sẵn và không chứa đường bổ sung đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành sở thích ăn uống lành mạnh cho trẻ và sẽ có tác động lâu dài đến cuộc sống sau này của trẻ.